Ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế Bắc – Nam theo đường cao tốc Bắc – Nam, kết hợp với đường ven biển
Ngày 14-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hình thành các vùng động lực
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định các quan điểm về việc phát triển quốc gia cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Tứ giác TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng ven biển Thừa Thiên – Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi và Tam giác Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. “Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: Nhật Bắc
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã xác định hình thành các trục và hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và hướng Đông – Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sẽ ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc – Nam phía Đông, 2 hành lang kinh tế Đông – Tây, gồm hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Mộc Bài – TP HCM – Vũng Tàu.
Theo TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc – Nam dựa theo đường cao tốc Bắc – Nam, kết hợp với đường ven biển và ưu tiên trước hành lang kinh tế Đông – Tây. Về phân vùng kinh tế – xã hội, TS Cao Viết Sinh kiến nghị xem xét tách các vùng lớn thành các tiểu vùng, như vùng trung du và miền núi phía Bắc có thể tách thành 2 tiểu vùng là Đông Bắc và Tây Bắc. Bên cạnh đó, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với đặc thù về địa lý kéo dài, cũng có thể tách ra thành các tiểu vùng gồm Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần xác định hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.
GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhấn mạnh chi phí logistics của Việt Nam hiện tương đương 20,9% so với GDP, muốn kéo giảm chi phí này cần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng. Do đó, trong quy hoạch cần đưa ra chỉ tiêu cụ thể về giảm chi phí logistics đến năm 2030, làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh tuyến cao tốc Bắc – Nam đang được xây dựng, GS Lã Ngọc Khuê kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; bổ sung nội dung đầu tư đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các tuyến đường sắt liên vùng trong quan điểm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.
Xác định các ngành mũi nhọn
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển. Thủ tướng lưu ý quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, gồm cả nội lực và ngoại lực.
Về xác định không gian phát triển theo vùng lãnh thổ, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ đã được nghiên cứu, triển khai từ lâu, việc xây dựng quy hoạch cần có sự kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển về nội dung này. Theo Thủ tướng, quy hoạch cần xác định các ngành mũi nhọn sát thực tiễn, điều kiện và hoàn cảnh đất nước, gồm: nông nghiệp; các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp vật liệu, công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các ngành dịch vụ như logistics, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa…
Thủ tướng cũng đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch. Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề di dân để quy hoạch không gian gắn với phát triển dân số hài hòa, hợp lý.
Thông qua hồ sơ quy hoạch
Trước khi kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thông báo 100% ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia và dự thảo báo cáo thẩm định bằng hình thức bỏ phiếu. Như vậy, hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2022.
Theo: Minh Chiến, Báo Người Lao Động