Lượng người tìm kiếm bất động sản có xu hướng giảm trong quý 3/2022. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định giá nhà vẫn khó giảm trong thời gian tới.
Mức quan tâm giảm, giá vẫn tăng phi mã
Công bố của một số đơn vị nghiêm cứu thị trường thời gian gần đây cho thấy, nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ đều ghi nhận sự suy giảm mối quan tâm của người tìm kiếm bất động sản từ 14-19%.
Nguồn: Batdongsan.com.vn
Cushman&Wakefield Việt Nam cho biết, quý 3/2022 vừa qua không có nhiều sự cải thiện về cả nguồn cung và thanh khoản. Rõ nhất là việc tổng nguồn cung căn hộ chào bán mới trong cả quý chỉ khoảng 4.100 căn, giảm đến 54% so với quý 2 trước đó, lượng tiêu thụ căn hộ cũng giảm đến 54%.
Dù mức độ quan tâm có xu hướng giảm, tuy nhiên giá bất động sản được cho là vẫn tăng, đặc biệt là phân khúc chung cư. Đại diện Cushman&Wakefield Việt Nam nhận định, giá bất động sản sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Có rất nhiều yếu tố sẽ khiến giá nhà khó đi xuống, từ việc giá đất, giá vật liệu xây dựng đã tăng rất cao so với các năm trước, chi phí phát triển dự án, nhân công gia tăng buộc các chủ đầu tư có dự án triển khai phải tính toán lại giá sản phẩm bán ra thị trường để cân bằng ngân sách…
Biểu đồ biến động giá chung cư Hà Nội quý 3/2022. Nguồn: Batdongsan.com.vn
Theo Property Guru Việt Nam, so với cùng kỳ 2021, giá chung cư cao cấp đã tăng 10% (trên 50 triệu/m2); trung cấp tăng 18% (30-50 triệu/m2) và bình dân tăng 7% (dưới 30 triệu).
Doanh nghiệp bất động sản “khát vốn”
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà giảm tốc mạnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là bởi “khát vốn”.
“Tình trạng khát vốn của các chủ đầu tư đã diễn ra từ đầu năm tới nay. Các nguồn vốn chính của thị trường đều đang “hẹp cửa” với các doanh nghiệp khi tín dụng đang trên đà tăng trưởng nhanh so với mục tiêu 14% của Chính phủ trong năm 2022. Như vậy, room tín dụng cho vay trong năm nay sẽ không còn nhiều.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ trái phiếu bất động sản cũng không hề khả quan. Việc phát hành trái phiếu năm 2022 giảm mạnh, đặc biệt là với nhóm bất động sản. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 180.000 tỉ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do lượng phát hành trong quý 2/2022 vừa qua sụt giảm mạnh sau khi các cơ quan quản lý có các động thái cứng rắn trong quản lý thị trường tài chính”.
Giới chuyên gia nhận định lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn vào năm 2023 – 2024 sẽ là thời kỳ áp lực với nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phan Anh
Vị này nhận định, trong tương lai gần, lĩnh vực bất động sản sẽ khó thu hút được nguồn vốn tín dụng và trái phiếu khi việc cấp hạn mức tín dụng dựa trên năng lực của từng ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhiều điểm sáng, lạc quan.
“GDP tiếp đà tăng trưởng bền vững, dự kiến năm 2022 đạt 7,5%. Giải ngân FDI ổn định qua các năm. GDP đầu người cũng tăng tư 3,4 nghìn USD năm 2019 lên mức 3,7 nghìn USD năm 2021 và dự kiến năm 2025 tăng lên 5,2 nghìn USD. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh, từ 35% năm 2019 lên mức 37% năm 2021, dự kiến là 40% năm 2025” – ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Trước tình trạng giá chung cư liên tục tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết, tình trạng này rất có thể là một chiêu trò của ngành môi giới bất động sản.
Về bản chất, giai đoạn vừa rồi ở Hà Nội, nguồn hàng khan hiếm các chủ đầu tư tận dụng tình trạng cầu cao, cung ít nâng giá lên và thông qua các đơn vị phân phối để bán sản phẩm.
Theo: Khương Duy, Báo Lao động