Trong con đường gây dựng cơ nghiệp, không ít doanh nhân và gia đình đã vướng những sai lầm. Có những người nhiều lần vượt qua khó khăn và gây dựng các đế chế trong nhiều lĩnh vực, cạnh tranh được cả với các tập đoàn lớn nước ngoài. 

Tuy nhiên, có những sai lầm khiến một số tập đoàn gia đình lao dốc, nhiều thành viên trong gia đình vướng lao lý và có những trường hợp khó đứng dậy được. Hàng vạn lao động tại các tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng.

Gia đình Tân Hiệp Phát, cú ngã ngựa không bất ngờ

Đầu tháng 4/2023, Tập đoàn Tân Hiệp Phát của gia đình ông Trần Quý Thanh – một doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam, giàu có bậc nhất và được xem là “Red Bull” tiếp theo trong khu vực, đã rơi vào khó khăn sau khi lãnh đạo bị khởi tố và bắt tạm giam.

Ngày 10/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Qúy Thanh (Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng con gái Trần Uyên Phương (Phó Tổng Giám đốc). Một người con khác của ông Thanh là bà Trần Ngọc Bích cũng bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Quyết định tố tụng được ban hành khi Bộ Công an giao Cơ quan CSĐT (C01) điều tra xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quý Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cưỡng đoạt tài sản là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.

Đây là một thông tin làm rúng động cộng đồng doanh nghiệp Việt bởi đây là một tập đoàn hàng đầu về nước giải khát tại Việt Nam, có kế hoạch vươn tầm khu vực.

Các sản phẩm của Tập đoàn "Dr. Thanh"
Các sản phẩm của Tập đoàn “Dr. Thanh”

Tân Hiệp Phát được thành lập từ năm 1994 và là cái tên đình đám trên thị trường nước giải khát Việt Nam với nhiều sản phẩm như nước tăng lực Number One, Trà xanh 0 độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh… với lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đây được xem là “Red Bull” tiếp theo trong khu vực.

Thời điểm năm 2019, ông Trần Quý Thanh được xem là siêu giàu, có thể chỉ xếp sau ông Phạm Nhật Vượng. Tân Hiệp Phát khi đó đã hé lộ kế hoạch tìm kiếm 3 tỷ USD cho tham vọng chinh phục vị trí số 1 Đông Nam Á trong lĩnh vực đồ uống. Ông lớn này từng từ chối thương vụ 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ, với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.

Sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã định hình rõ nét nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường gồm 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là Suntory Pepsi, Coca-Cola, URC cùng 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.

Tuy nhiên, tập đoàn gia đình này có xu hướng đầu tư tài chính và lấn sân sang mảng bất động sản.

Chân dung hai ái nữ của Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh
Chân dung hai ái nữ của Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quý Thanh

Ái nữ nhà ông Thanh thua lỗ trong thương vụ đầu tư vào một doanh nghiệp từng được kỳ vọng là kỳ lân của ngành truyền thông. Quyết định rút dần khỏi Yeah1 gây ra thua lỗ lớn.

Tân Hiệp Phát đã lập công ty mua bán nợ vốn 100 tỷ đồng và săn quỹ đất trong giai đoạn đầu làm bất động sản.

Hoạt động từ mảng truyền thống “nước giải khát” đem về một lượng tiền lớn cho nhà ông Thanh. Đây cũng có thể là do chính dẫn đến việc ông và những người liên quan có những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.

Dù mới chỉ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản vài năm trở lại đây nhưng gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã sở hữu quỹ đất trải dài khắp các tỉnh thành phía Nam.

Giai đoạn 2018-2019, gia đình ông Thanh gây bất ngờ khi thành lập hơn 20 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản, với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 20.000 tỷ. Đỉnh điểm năm 2019, chỉ trong vòng một tuần, vợ ông Trần Quý Thanh và hai con gái đã thành lập 10 công ty bất động sản. Mỗi công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ vướng đến hoạt động cho vay và đầu tư bất động sản, trước đó Tân Hiệp Phát của ông Trần Quý Thanh cũng có một số tai tiếng và điển hình là vụ việc “sự cố con ruồi”, từng đưa một khách hàng vào tù.

Anh em ông Trịnh Văn Quyết vướng lao lý, Tập đoàn FLC lao đao

Ngày 29/3/2022, giới đầu tư cũng đã chứng kiến cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Hành vi sai phạm của bị can Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021, kéo dài đến ngày 10/1/2022 – phiên mà ông Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC.

Ông Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết – CT HĐQT Tập đoàn FLC

Hai em gái ông Quyết cũng đã bị bắt tạm giam để điều tra về cùng tội danh.

Tới ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai em gái của ông Quyết cũng bị khởi tố bổ sung cùng tội danh. Đó là Trịnh Thị Thúy Nga – nguyên thành viên HĐQT kiêm phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán BOS và Trịnh Thị Minh Huế – nhân viên kế toán thuộc ban kế toán, CTCP Tập đoàn FLC.

Sau khi ông Quyết bị vướng lao lý, tất cả các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC đã bị ảnh hưởng, suy sụp.

Hôm 14/3, cổ phiếu cuối cùng “họ FLC” là KFL của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS bị HNX đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022.

Cho đến nay “họ FLC” không còn mã nào được giao dịch trên thị trường niêm yết. Các mã như HAI, ART, GAB… đã bị đình chỉ giao dịch trước đó.

Trong đó, gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị HOSE quyết định huỷ niêm yết từ ngày 20/2 do doanh nghiệp này “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”. Còn 568 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros bị HOSE hủy niêm yết từ ngày 5/9/2022.

FLC từng là một tập đoàn nổi tiếng, có tốc độ tăng vốn rất nhanh, với các dự án đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh như tại Sầm Sơn (Thanh Hoá), Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi… FLC sau đó mở rộng kinh doanh sang du lịch, công nghệ, truyền thông, dịch vụ golf… 

Năm 2017, FLC thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways. Chỉ sau 2 năm, Bamboo Airways chính thức đi vào vận hành. Đây cũng là một thành công lớn của doanh nghiệp này khi mang tới cho ngành hàng không một diện mạo mới.

Bamboo Airways đón thêm máy bay mới
Hãng máy bay Bamboo mang tới cho ngành hàng không một diện mạo mới.

Các sân golf và bất động sản nghỉ dưỡng của FLC hiện vẫn được xem là đẳng cấp như FLC Hạ Long Bay Golf Club & Luxury Resort, FLC Sầm Sơn.

Tuy nhiên, giờ đây, ảnh hưởng của FLC với các thương hiệu đó đã không còn như xưa.

Người gia đình Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vướng lao lý

Chỉ chưa đầy một tháng sau vụ FLC, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và 6 đồng phạm cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có Đỗ Hoàng Việt (1993), con trai ông Dũng. 

Bắt giam con trai chủ tịch Tập Đoàn Tân Hoàng Minh - Báo Người lao động
Chủ tịch Tân Hoàng Minh – Đỗ Anh Dũng và con trai thứ – Đỗ Hoàng Việt

Các lãnh đạo Tân Hoàng Minh bị bắt vì đã dùng nhiều công ty thành viên và doanh nghiệp liên quan để huy động lượng lớn trái phiếu từ các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Sau khi ông Đỗ Anh Dũng và con thứ bị bắt, con trai cả Đỗ Hoàng Minh (Denis Đỗ, 1986) được trao quyền quản lý Tân Hoàng Minh. Ông Dũng còn có con gái út – Nguyễn Anh Sa (SN 1994). 

Tương tự, Tập đoàn gia đình Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan cũng rơi vào khủng hoảng hồi tháng 10/2022. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bà Trương Mỹ lan – cùng đồng bọn

Bên cạnh đó, con gái bà Lan là Trương Huệ Vân (1988) Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị khởi tố và bắt tạm giam với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019. 

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương, được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có tại Việt Nam. Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong.

Theo giới thiệu trên website, Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 549 triệu USD, tiền thân là công ty tư nhân đầu tiên được thành lập tại TP.HCM vào năm 1991. Các cổ đông của Tập đoàn vẫn giữ nguyên từ khi thành lập cho đến nay.

Vạn Thịnh Phát liên quan nhiều tới Ngân hàng SCB và nhiều dự án bất động sản, đất vàng ở TP.HCM.

Còn tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2), cựu chủ tịch ông Nguyễn Văn Minh cùng con gái bị đề nghị truy tố với khung hình phạt cao nhất đến tử hình hồi tháng 3/2022. Bà Lê Thị Bích Ngọc (vợ ông Minh) cho rằng đây là một tấn bi kịch, ảnh hưởng đến cả đời con, đời cháu.

Các vụ án liên quan tới các tập đoàn gia đình nói trên đều có quy mô lớn, tác động nhiều đến xã hội. Sự suy sụp của các tập đoàn gia đình lớn ảnh hưởng đến hàng vạn người lao động. Nền kinh tế cũng sẽ chịu tác động tiêu cực. 

Trên thực tế, sai phạm của một số cá nhân trong các tập đoàn gia đình là điều có thể thấy ở nhiều nước khác trên thế giới, như tại ông lớn Samsung của Hàn Quốc. Tuy nhiên, thông thường trong các trường hợp như vậy, các cá nhân bị xử lý còn các tập đoàn vẫn hoạt động và tiếp tục là các trụ cột, góp vào sự phát triển của quốc gia.

Theo: Nhà báo Mạnh Hà, Vietnamnet


THÔNG TIN LIÊN HỆ:
TẬP ĐOÀN BĐS AE TOÀN CẦU

Trụ sở: 402 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 6671 7777 / 0903 12 13 17
TikTok: AE Toàn Cầu
Email: info@aetoancau.com hoặc tuyendung@aetoancau.com
Website: aetoancau.vn
Fanpage: CTCP Tập đoàn AE Toàn Cầu