Bộ Xây dựng sẽ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về quy hoạch, kiểm soát sự gia tăng dân số và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, giảm sự tập trung của các bệnh viện, trường đại học trong đô thị trung tâm…
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị quản lý chặt chẽ việc xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung đô thị phù hợp, đảm bảo không gian cho cây xanh, thiết chế văn hóa và dịch vụ công cộng. Đồng thời có quy hoạch tổng thể giao thông đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đô thị hiện nay.
Trả lời vấn đề này, theo Bộ Xây dựng hiện nay, hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị đã cơ bản đầy đủ để điều chỉnh toàn diện các hoạt động về quy hoạch và đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Quy hoạch 2017… và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Đây là cơ sở giúp lập dự án đầu tư xây dựng, hình thành nhiều đô thị văn minh, hiện đại và có bản sắc.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, quá trình quản lý và phát triển đô thị trên thực tế vẫn tồn tại một số bất cập như việc tập trung xây dựng chung cư cao tầng chưa tính toán đến khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, chậm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh, các thiết chế văn hóa và dịch vụ cộng đồng…
Để hạn chế các tồn tại, bất cập nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông đô thị để giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống đô thị.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đang chủ trì xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2022.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn triển khai lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017 nhằm xây dựng, phát triển mạng lưới đô thị hài hòa, cân đối giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật đô thị.
Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chủ động đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật, kiểm soát chặt chẽ quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm về quy hoạch đô thị tại địa phương.
“Kiểm soát sự gia tăng dân số và phát triển nhà cao tầng khu vực nội đô, giảm sự tập trung của các bệnh viện, trường đại học trong khu vực đô thị trung tâm; thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt” – Bộ Xây dựng cho hay.
Bên cạnh đó, phát triển các khu đô thị tại các đầu mối giao thông công cộng lớn nhằm rút ngắn khoảng cách đi lại, tăng cường sử dụng giao thông công cộng của người dân.
Rà soát quy hoạch chung đô thị để bổ sung, mở rộng các tuyến đường bộ, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị. Tổ chức hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, ưu tiên kết nối các không gian công cộng trong đô thị, khai thác giao thông đa dạng về loại hình.
Hà Nội: Chỉ trình duyệt dự án nhà cao tầng phù hợp quy hoạch
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành kết luận thanh tra hàng loạt “điểm nóng” về quy hoạch tại tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính, tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình (Hà Nội). Trong đó chỉ rõ, việc điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, lập, điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QHKT) điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Trong khi nhiều ô đất liên tục được điều chỉnh nhiều lần theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng “nhồi” thêm cao ốc thì tại nhiều dự án, đất cây xanh lại bị “xẻ thịt”
Tại khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính, kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, Sở QHKT trình, UBND TP chấp thuận nhiều lần làm giảm diện tích đất cây xanh ô CX2 từ 5.324m2 xuống còn 2.682m2, giảm chỉ tiêu đất cây xanh xuống mức 0,64m2/người là “vi phạm nghiêm trọng Quy chuẩn xây dựng” (quy định chỉ tiêu cây xanh đơn vị ở tối thiểu 2m2/người).
Không những thế, Sở QHKT tiếp tục đề xuất, UBND TP đồng ý về nguyên tắc lại bố trí thêm nhà sinh hoạt cộng đồng tại phần diện tích 2.682m2 ô CX2-A, mật độ xây dựng 5% là sai so với điều chỉnh cục bộ được duyệt năm 2010 (ô đất CX2-A có chức năng đường dạo, cây xanh, mật độ xây dựng 0%), tiếp tục làm tăng mật độ xây dựng toàn ô đất CX2, vi phạm nghiêm trọng Quy chuẩn xây dựng.
Trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc do UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2014 không bố trí diện tích đất trồng cây xanh tối thiểu 30% đối với lô đất trường học.
Thanh tra quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, quy định tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh cho các lô đất xây dựng nhà ở chung cư là 20%. Tuy nhiên, có 12/17 dự án được thanh tra không bố trí đất cây xanh, 2/17 dự án thiếu diện tích cây xanh; 2/17 dự án bãi đỗ xe, cây xanh nhưng thực tế đã thi công sai quy hoạch…
Sau kết luận trên của Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 190 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố. Trong đó UBND TP chỉ đạo, việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công cộng phục vụ dân sinh
Mới đây, trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở QHKT chỉ chấp thuận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ quy hoạch các dự án khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại… khi các nội dung đề xuất phù hợp với định hướng quy hoạch, tuân thủ các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, quy định về chỉ tiêu diện tích bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các đường trục chính đô thị, không gia tăng áp lực gây ùn tắc giao thông.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
TẬP ĐOÀN BĐS AE TOÀN CẦU
Trụ sở: 402 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 6671 7777 / 0903 12 13 17
TikTok: AE Toàn Cầu
Email: info@aetoancau.com hoặc tuyendung@aetoancau.com
Website: aetoancau.vn
Fanpage: CTCP Tập đoàn AE Toàn Cầu